Tia cực tím gây hại cho da thế nào?
Tiếp xúc lâu dưới ánh nắng mặt trời khiến da xấu đi, nổi mụn, sạm, bỏng nắng, xuất hiện tàn nhang, lão hóa, thậm chí ung thư.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động mức 0-2 được xem là thấp, chỉ số UV mức 8-10 có thời gian gây bỏng là 25 phút. Chỉ số từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Bác sĩ Đỗ Kim Anh, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết làn da là tấm lá chắn bảo vệ và điều hòa thân nhiệt cho cơ thể. Khi thay đổi nhiệt độ đột ngột với sự chênh lệch nhiệt quá cao khiến mồ hôi và dầu tiết nhiều hơn, tạo điều kiện cho bụi, vi khuẩn xâm nhập, làm bít tắc lỗ chân lông dẫn đến mụn. Nặng hơn là tình trạng sốc nhiệt, ngất... nếu ở ngoài trời nắng quá lâu.
Ngoài ra, khi thời tiết nắng nóng, cường độ tia UV lớn, nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên làm độc tố tích lũy nhiều hơn khiến tình trạng da xấu đi như nổi mụn, sạm da, bỏng nắng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Khoa Da liễu, Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết làn da tiếp xúc ánh nắng nhiều dễ bị bỏng, rộp là do tia UVB. Các triệu chứng này có thể không xuất hiện ngay lập tức mà phải mất khoảng 5 giờ sau đó. Bỏng nắng có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng kem chống nắng mỗi ngày và hạn chế phơi nắng khi các tia UV có cường độ mạnh nhất (từ 10h sáng đến 2h chiều).
Ngoài ta, tia UV có thể gây sạm da, lão hóa, xuất hiện tàn nhang, khiến da sần sùi, mất độ đàn hồi. Da tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời cũng có khả năng dẫn đến ung thư. Tia UV cũng đặc biệt nguy hiểm với làn da nhạy cảm như da trẻ nhỏ, da tổn thương do mụn.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần chú ý chăm sóc da nhiều hơn khi chuyển mùa nóng. Các biện pháp đơn giản tại nhà như rửa mặt hai lần một ngày, tẩy da chết, dưỡng ẩm, chống nắng thường xuyên. Bổ sung nước, rau xanh, hoa quả, tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo hoặc các món ăn chiên rán, cay nóng..
Nên lựa chọn sản phẩm có độ SPF từ 30 trở lên, nếu đi tắm biển nên chọn loại kem có chỉ số chống nắng từ 50 trở lên. Không nên chọn kem có hàm lượng chống nắng quá cao, chỉ số lên tới 100 có nguy cơ gây viêm da kích ứng, dị ứng da và giảm đi hiệu quả ổn định của sản phẩm. Thời điểm bôi kem tốt nhất là trước khi đi ra ngoài khoảng 15-20 phút và bôi lại sau hai giờ sử dụng.
Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh, bạn phải đeo khẩu trang nhiều và thường xuyên... dễ gây mụn, tiết dầu, bít tắc lỗ chân lông. Do đó, bạn cần dưỡng ẩm bằng kem và lựa chọn kem phù hợp với làn da. Thường xuyên dùng xịt khoáng cho dịu da và giảm bớt mồ hôi, bã nhờn trên mặt.
Nếu da bị cháy nắng, bỏng nắng, bạn có thể dùng vải lanh lạnh đắp lên vùng da tổn thương và sử dụng các sản phẩm làm mát và làm dịu da. Bổ sung nhiều nước và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong quá trình hồi phục. Nếu bị phồng rộp, đau nhức, viêm nhiễm lâu ngày thì cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị sớm.